Top page

Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Tiến sĩ Y học cộng đồng Trịnh Thắng: Từ cậu bé chăn vịt hôi hám đến ông tiến sĩ

Chưa đầy 40 tuổi, Thắng đã làm được nhiều việc xuất sắc: Lấy bằng tiến sĩ y học cộng đồng ở Mỹ chỉ trong hai năm rưỡi (trong thời gian đó hoàn thành luôn hai cuốn tiểu thuyết), trở thành võ sư, làm thơ, viết truyện ngắn, sáng tác nhạc, người dạy hùng biện tiếng Anh rất được giới trẻ hâm mộ. Ấn tượng đặc biệt về Thắng: Một nhà khoa học trẻ giỏi giang, tự tin, lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết sống.

Cậu bé chăn vịt hôi hám và người viết lạc quan
Truyện "Dấu ấn đồng quê" của Thắng không nhuốm màu buồn, xót xa thương cảm mà gợi lên trong lòng người đọc một tình yêu dịu dàng, thanh khiết về đồng ruộng và làng quê Việt Nam... Điều gì tạo nên điều đó?
Tôi chăn vịt từ khi 6 tuổi, đam mê và vui thú với đàn vịt như trẻ con nhà khá giả chơi đồ hàng. Một đứa trẻ sáu tuổi, có đồ hàng là một đàn vịt có xương có thịt, lội lạch bạch trên những chân rạ mới gặt mênh mông, thỉnh thoảng lại được cùng vịt bơi lội tung tăng trên mương, trên ao. Thích lắm!
Tôi luôn lạc quan và làm việc gì cũng đam mê, nhiệt huyết. Sự nhiệt huyết, niềm lạc quan ấy tất nhiên là lan tỏa vào những trang viết.
Nghề chăn vịt từ thuở bé kể ra cũng giúp Thắng thu hoạch được nhiều phết ấy nhỉ?
Không hẳn như vậy đâu. Ban ngày đi chăn vịt, tối về lại cho vịt ăn, đến nỗi tôi không có thời gian học. Người tôi lúc nào cũng hôi hám. Mùi hôi của vịt quyện với đất cát kết vào quần áo đến mức ngậm thấy mằn mặn. Nhưng nó cũng trở thành quen thuộc, không ngửi mùi ấy hằng đêm ngủ không ngon. Trẻ con ở quê không ai chơi nên tôi chỉ nghịch với mấy con cào cào. Vì chăn vịt mà hồi bé tôi bị mặc định là "đần" đấy.

Thiền?

Đọc truyện của Thắng, nhắm mắt lại tưởng tượng đó là truyện ngắn của Nhật, của phương Tây, miêu tả theo cách của một thiền sư đứng ở một góc nào đấy nhìn cuộc sống, chứ không phải của người đã đi qua cuộc sống?
Trong tất cả các tác phẩm tôi viết đều có tính thiền. Nỗi đau của người khác được chuyển hóa thành một nỗi niềm nào đó người ta chấp nhận được. Không bao giờ đẩy cho nhân vật xuống hố bùn không ngóc lên được mà phải để cho người ta lối thoát. Thơ cũng thế. Thơ tôi cồn cào nhưng câu kết bao giờ cũng để lại âm hưởng lạc quan, dịu dàng.

Học tiếng Anh?

Tôi thấy lý do đầu tiên để Trịnh Thắng rất tự tin là vì giỏi tiếng Anh, nhất là khả năng nghe - nói. (Tôi đã nhìn thấy nhiều người giỏi tiếng Anh ngưỡng mộ Thắng về khoản này). "Cậu bé chăn vịt" học cách nào mà siêu vậy?
Ba năm đầu Đại học Y, tôi học tiếng Pháp rất giỏi vì tiếng Pháp liên quan nhiều đến Y khoa. Đến năm thứ 3 Đại học, người yêu, bây giờ là vợ, bảo với tôi rằng: "Anh phải đi học tiếng Anh vì xu hướng bây giờ người ta toàn học tiếng Anh". Rồi cô ấy dẫn tôi đến nhà một người bạn chơi, thấy bạn bè nói với nhau bằng tiếng Anh, tôi rất ấm ức. Thế là tôi quyết tâm học tiếng Anh. Ba tháng đầu tôi tự học tiếng Anh trình độ A, B, C, thuộc lòng hết ngữ pháp và cả một kho từ vựng. Trong vòng hai năm, tôi trở thành một người giỏi tiếng Anh. Học đến năm thứ 5 của ĐH Y, tôi có thể dạy tiếng Anh cho bạn bè và con của các thầy cô trong trường.
Trường tôi có một thầy giáo rất giỏi tiếng Anh tên là Ấn. (Hiện nay thầy vẫn dạy ở ĐH Y Thái Bình). Tôi còn nhớ hồi tôi đến gặp thầy và xin được nói bằng tiếng Anh, thầy bảo: "Thầy không hiểu em nói gì hết. Em tự đi tìm bạn bè mà học nói nhé!". Tôi trả lời: "Em chỉ thích nói giống như người nước ngoài". Rồi thầy chỉ cho tôi chương trình VOA (Voice of America) để tự học. Đó là người có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếng Anh của tôi.
Tôi mua đài để rèn luyện khả năng nghe, nói. Không đủ tiền mua đài vừa nghe vừa ghi, tôi mua một cái nghe, một cái ghi để nghe phát sóng ban ngày và ghi lại. Mỗi ngày ghi 60 phút và bắt chước theo giọng trong băng. Ngày nào không nghe hết băng tôi không coi đấy là một ngày.
Lúc đầu tập nói câu rất ngắn, sau là câu dài, rồi một đoạn, bắt chước giọng các MC trong chương trình ca nhạc nước ngoài và chương trình đối thoại với nước Mỹ (Talk To America). Đi đâu tôi cũng lảm nhảm nói tiếng Anh, vào toilet nhà bạn gái cũng nói tiếng Anh, thậm chí bố người yêu gọi con gái ra bảo: "Phải nghiên cứu lại thằng này".
Sau đó, người ở công ty dầu khí của Mỹ về trường Đại học tuyển một sinh viên đi làm bác sĩ khám chữa bệnh cho gia đình. Tôi xung phong đi làm thêm để rèn luyện thêm tiếng Anh. Được nghe nói trực tiếp với người nước ngoài hàng ngày, tiếng Anh của tôi tiến bộ rất nhanh.
Trong thời gian học nói tôi không hề viết, cứ nhìn là thuộc ngay. Tôi đam mê tiếng Anh đến nỗi lên thư viện người ta đọc sách bằng tiếng Việt thì tôi đọc bằng tiếng Anh. Trong trường Y có nhiều dự án, hồi đó thầy Ấn hay nhận tài liệu về nhà dịch. Thầy gọi tôi đến nhà đào tạo cho cách dịch. Tôi dịch xong thầy chỉnh lại. Và tôi cứ học theo những lúc thầy chỉnh như thế.
Một số người lên Hà Nội thi TOEFL về bảo: "chú chắc chỉ được 500 điểm TOEFL là tối đa". Tôi bắt đầu nhụt chí và thấy ước mơ du học xa vời. Đến lúc lên Hà Nội thi tuyển du học thạc sĩ ở Mỹ, tôi thủ khoa vòng 1 và vòng 2 (vòng chính thức). Tôi đạt điểm viết tối đa trong lần đó.
Từ đó nhiều người nói tôi thông minh. Và tôi cũng bắt đầu nghĩ mình là người thông minh (hic).
Bây giờ Thắng còn là một đệ tử tích cực của Vũ Gia Thân Pháp. Vì sao mà một sinh viên y khoa lại "tự dưng" học võ vậy?
Hồi nhỏ tôi ốm yếu nên lúc nào cũng muốn được khoẻ mạnh. Vào đại học, thấy người ta mở các câu lạc bộ võ thuật là tôi theo liền. Lúc đầu tập Karatedo, sau đến Tán Thủ nhưng hai môn này không phù hợp. Tôi lại đi tìm thầy và may mắn gặp các vị tiền bối về Thái Cực Quyền, Khí Công và Vũ Gia Thân Pháp. Những môn này ôn hòa, lấy nhu làm gốc và lấy khí huyết làm chủ nên tôi thích và theo.

Nhà tình dục học?

Xuất phát từ một gia đình nông dân Á Đông, ban đầu rất bỡ ngỡ nhưng rồi Thắng lại trở thành một chuyên gia tình dục. Sự chuyển biến trong Thắng như thế nào để đạt được điều ấy?
Tôi không dám khẳng định mình là chuyên gia tình dục mà ai cũng có thể là chuyên gia tình dục nếu xét về góc độ nào đấy. Nhưng nói có duyên có thể đúng vì hồi tôi học thạc sĩ ở Mỹ, đề tài cũng liên quan đến tình dục. Sau đấy làm tiến sĩ cũng về hành vi tình dục của vị thành niên. Tôi đã từng giảng về tình dục cho anh em Việt Nam ở Mỹ. Nhiều lúc như là duyên, là cơ hội, mình không lên kế hoạch nhưng người ta vẫn bắt mình nói, nhất là nam giới vì tôi thường phá được các rào cản nhạy cảm, không hề gượng gạo, ngượng ngùng. Về nước, công việc của tôi cũng gắn kết với nhiều vấn đề về tình dục. Đôi khi đó là những cơ hội tự nó đến chứ không liên quan gì đến sự lựa chọn của bản thân.
Nhiều người nghĩ tình dục chỉ đơn thuần là quan hệ, nhưng thực chất nó bao hàm rất nhiều vấn đề liên quan... Nếu nói hết thì rất rộng lớn nhưng muốn nhấn mạnh một điều thì tình dục không đơn thuần như nhiều người vẫn nghĩ.
Phong cách sinh hoạt tự nhiên của Thắng có gặp phải cản trở hay là va chạm nào không? Thắng ứng xử với những hoàn cảnh khác nhau như thế nào để vẫn giữ được là mình?
Có chứ. Những trở ngại đầu tiên chính là tâm lý của bản thân mình. Nhiều người mới nhìn bên ngoài thường nhận xét: thằng này mới tí tuổi đã để râu, tiến sĩ mà cứ ăn mặc không nghiêm ngắn... Nhưng khi tiếp xúc trực tiếp, họ sẽ nhanh chóng mất đi cảm giác ấy. Tôi đi giảng dạy rất nhiều và được sinh viên quý vì tính thân thiện.
Quan trọng là mình không bao giờ đánh mất lòng tự trọng thì người ta sẽ đón nhận mình, còn ăn mặc chỉ là một phần rất nhỏ.
Vợ có đồng cảm với việc Thắng làm không?
Vợ tôi là người chịu rất nhiều thiệt thòi, hi sinh rất nhiều khi chồng có nhiều đam mê như thế. Trong tất cả đam mê của tôi, vợ tôi chỉ thích về võ thuật và khí công vì nó có lợi cho sức khoẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét